Loài hoa Tớ Dày (Pằng Tớ Dày) gắn với mùa Xuân ở vùng núi Tây Bắc. Đặc biệt, trong tâm thức cộng đồng dân tộc H’Mông ở Điện Biên nói riêng, Tây Bắc nói chung, hoa Tớ Dày nở là một tín hiệu báo mùa mùa Xuân đã về.
Khi hoa Tớ Dày bung nở trên rừng, điểm tô sắc thắm cho đại ngàn ở những vùng cao hùng vĩ, làm bừng sáng không gian núi đồi, bản làng như được khoác lên trên mình một màu áo mới. Lúc đó đất trời vào mùa giao hòa, nảy nở, sinh sôi, con người cũng bước vào một mùa Xuân với bao niềm vui, ước mơ và hy vọng.
Khi hoa Tớ Dày bung nở trên rừng, điểm tô sắc thắm cho đại ngàn ở những vùng cao hùng vĩ, làm bừng sáng không gian núi đồi, bản làng như được khoác lên trên mình một màu áo mới. Lúc đó đất trời vào mùa giao hòa, nảy nở, sinh sôi, con người cũng bước vào một mùa Xuân với bao niềm vui, ước mơ và hy vọng.
Tớ Dày là loài cây thuộc loại thân gỗ, tán rộng, mọc ở trên những sườn đồi, triền núi, hay những thung sâu – những nơi có địa thế cao hằng trăm mét so với mực nước biển, trong năm khí hậu khắc nghiệt, nền nhiệt biến đổi và có sự chênh lệch rõ ràng.
Hoa Tớ Dày có năm cánh hồng như hoa đào ta, nhưng khi nở thì kết chùm, nhụy hoa Tớ Dày lại rất dài và mang màu đỏ.
So với hoa đào ta, hoa Tớ Dày có màu sắc thắm hơn, lại được điểm xuyến bằng nhụy đỏ dài. Nếu xét trên một cành, số lượng nụ hoa Tớ Dày nhiều hơn gấp nhiều lần so với hoa đào.
Vì đặc điểm này hoa Tớ Dày dễ làm nhiều người lầm tưởng là hoa Anh đào, nhưng hoa Anh đào có nhiều cánh, xếp chồng thành nhiều lớp khi nở.
Hoa Tớ Dày thường nở vào dịp Tết của cộng đồng dân tộc H’Mông, trước Tết của người Kinh độ vài tháng trở lại.
Hoa nở rộ vào thời điểm trước Tết Nguyên đán khoảng chừng vài tuần. Khi hoa Tớ Dày đua nở, cũng là thời điểm trai gái người H’Mông trên những rẻo cao đầy nắng, gió và sương giăng gọi nhau đi trẩy hội, du Xuân.
Bản làng chuẩn bị tổ chức lễ hội Gầu tào; trẻ con trong các bản làng hòa vào nhau thành từng tốp chơi ném pa pao, chọi cù…
Già làng, trưởng bản mua sắm những bộ quần áo mới để thực hiện những nghi thức tín ngưỡng dân gian của cộng đồng còn được bảo lưu, trao truyền qua nhiều thế hệ. Loài hoa này cũng hiện diện trên trang phục của thiếu nữ H’Mông, hòa vào tiếng khèn, đàn môi của những đôi trai gái đang tỏ tình bên núi.
Địa điểm ngắm hoa
Cây hoa Tớ Dày thường mọc ở những vùng núi cao. Điều thú vị là mọc trên vùng đất hội đủ các điều kiện khí hậu, thời tiết khắc nghiệt cây mới cho nhiều nụ, nở nhiều hoa và mang sắc thắm đặc trưng.
Tại tỉnh Điện Biên, cây hoa Tớ Dày mọc nhiều ở những “miền khát” Tây Trang (huyện Điện Biên), các bản rẻo cao thuộc các xã Sa Dung, Na Son, Pú Nhi, Keo Lôm, Tìa Dình (huyện Điện Biên Đông) và các xã phía Bắc của cao nguyên đá Tủa Chùa (huyện Tủa Chùa).
Ở huyện Nậm Pồ và vùng cực Tây huyện Mường Nhé, cũng có cây hoa Tớ Dày nhưng mật độ thưa hơn.
Bình luận