Mang trong mình vẽ đẹp mộc mạc, cổ kính cùng phong cảnh sông nước hữu tình, Cổ trấn Châu Trang (Giang Tô, Trung Quốc) nổi tiếng với biệt danh là Venice của châu Á.

Châu Trang là thị trấn nhỏ nằm ở phía đông nam tỉnh Giang Tô (Trung Quốc), được mệnh danh “Venice của phương Đông”. Ngoài phong cảnh đẹp như tranh vẽ, Châu Trang còn bảo tồn rất tốt những di sản từ thời Minh, Thanh. Trên diện tích khoảng 0,5 km2, 60% công trình kiến trúc ở Châu Trang hiện nay được xây dựng trong giai đoạn 1368-1911.

Châu Trang bắt đầu xuất hiện trong các văn thư cổ Trung Quốc từ thời Xuân Thu. Bấy giờ, Châu Trang là ngôi làng có tên gọi Zhenfengli, thái ấp thuộc quyền sở hữu của Yao Cheng. Đến năm 1086, dưới triều Bắc Tống, một phật tử sùng đạo là Zhou Digong đã hiến khu đất cho đền Quanfu. Từ đó, tên của thị trấn được đổi thành Châu Trang.

Cổ trấn Châu Trang nổi tiếng với những cây cầu vòm chạm khắc đá tuyệt đẹp. Trong đó, Shuangqiao (Song Kiều) là biểu tượng và trở thành địa điểm thu hút khách du lịch nhất trong thị trấn. Shuangqiao được xây dựng dưới triều đại nhà Minh, có hình dạng giống với chiếc chìa khóa Trung Quốc trước kia. Năm 1985, bức tranh sơn dầu khắc họa Shuangqiao của họa sĩ Trần Dật Phi được chọn làm hình ảnh cho tem bưu chính của Liên Hợp Quốc. Ngoài ra, cầu Fu’an được xây dựng bằng đá hoa cương, kết hợp giữa cầu vòm đơn và tháp cầu không có cầu thang bên trong, là địa danh du khách không nên bỏ lỡ khi đến Châu Trang.

Ngoài cảnh quan và những công trình kiến trúc, cổ trấn Châu Trang còn quyến rũ du khách nhờ nền văn hóa bản địa hấp dẫn. Khách du lịch được đắm chìm trong không gian của Mẫu đơn đình (vở kịch nổi tiếng trong lịch sử sân khấu Trung Quốc), tham gia lễ hội đua thuyền và chèo đèn lồng, thưởng thức văn hóa trà và những món ăn nổi tiếng của Châu Trang như bánh bột nhào Wansan hay chân lợn hầm Wansan. Bên cạnh đó, du khách có thể mua sắm những mặt hàng thủ công bằng tre, gỗ hay rượu Wansan tại phố Zhengfeng để hiểu hơn về văn hóa truyền thống của Châu Trang cổ trấn.
Bình luận