Đến với vùng đất Sóc Trăng , bạn sẽ được thưởng thức những đặc sản món ngon nổi tiếng cả nước như bánh Pía, bánh in, mè láo, bánh cóng, bánh ống… mỗi loại đều mang những hương vị thơm ngon rất riêng được tạo ra từ bàn tay khéo léo của con người nơi đây.
Những đặc sản Sóc Trăng pha trộn tinh túy của thiên nhiên cùng cách chế biến và sử dụng nguyên liệu khác biệt sẽ khiến cho khách tới đây trải nghiệm hương vị có một không hai.
Bún nước lèo
Nghe cái tên bún nước lèo hẳn nhiều người không muốn thử ăn. Ấy là vì chỉ bún với nước lèo có gì mà ham. Tuy nhiên, nếu ông thử chắc chắn sẽ tiếc húi hụi khi nhìn hình ảnh của loại bún đặc biệt này.
Nước lèo hay nước dùng của bún này được nấu theo phương pháp riêng nên trong vắt, không hề có chút cặn nào. Nước lèo thơm vị cá lóc đồng, sả và nhiều loại gia vị khác.
Bún trước khi cho vào tô, được trụng qua nước sôi, thêm tôm, thịt cá phi lê, thịt heo quay… rồi chan ngập nước lèo. Bún này phục vụ cùng đĩa rau sống đủ loại: bắp chuối, húng thơm, húng quế, hẹ, giá sống…

Bún gỏi dà
Với xuất phát điểm là gỏi cuốn, bún gỏi dà được biến tấu dần dần và trở thành món khoái khẩu của người dân bản xứ. Bún gỏi dà gồm các nguyên liệu chính như các thành phần trong món gỏi cuốn: bún tươi, rau sống, giá đỗ, thịt ba rọi, tôm, đậu phộng, tương xay và thêm một số phụ liệu khác như sườn non, nước dùng.

Bún tiêu giò
Cũng như những món bún khác của miền Tây, tên gọi mộc mạc của món ăn bắt nguồn từ nước dùng được nấu cay nồng vị tiêu. Giò heo hoặc thịt bắp giò là nguyên liệu chính ăn kèm với món bún này. Giò heo chặt thành từng phần vừa ăn, cạo sạch lông và hầm chín. Thịt bắp thì thái thành từng lát mỏng, không nên thái quá dày vừa làm món mất đi vẻ thẩm mỹ vừa khó ăn. Ngoài thịt heo, người ta còn sử dụng thịt vịt để nấu món bún này.

Cháo cá lóc rau đắng
Không giống như cháo nấu ở những vùng miền khác, cháo cá ở miền Tây được nấu từ gạo rang thơm lừng, những con cá từ sông Cửu Long ngọt béo, kết hợp cũng vị đăng đắng của vùng đất phù sa màu mỡ sẽ mang đến cho thực khách cảm giác lưu luyến khó quên.

Các loại bánh:
Bánh pía
Bánh pía nổi tiếng nhất và tạo nên thương hiệu là bánh pía Sóc Trăng. Pía là âm đọc của người Triều Châu, có nghĩa là bánh. Bánh hình tròn, dẹt, còn có một tên gọi khác là bánh lột da vì lớp da bánh bên ngoài rất mỏng bọc lấy nhân bên trong là lòng đỏ trứng vịt muối, khoai, mứt các loại…

Bánh ống Sóc Trăng
Bánh ống là loại bánh dân dã của bà con người dân tộc Khmer. Tuy nó không phổ biến lắm nhưng đây cũng là loại bánh ăn chơi ngon, rẻ mà lớp trẻ con rất thích.
Bánh ống làm từ bột gạo xay nhuyễn trộn với màu của lá dứa, đường và nước cốt dừa. Bánh được hấp cách thủy trong ống tre hoặc ống nhôm nên gọi là bánh ống, chỉ khoảng 2 phút là xong mẻ bánh. Bánh có màu xanh mát của lá dứa, nhìn rất ngon mắt, lại được rắc lên trên dừa nạo và muối vừng càng hấp dẫn. Đối với người Sóc Trăng, dù đi đâu về đâu cũng luôn nhớ món ăn ngon lành, đơn giản này như một kỉ niệm đẹp của tuổi thơ.

Bánh cống đậu nành
Sóc Trăng ngoài đặc sản như bánh pía, lạp xưởng, của hành tím, nhãn Vĩnh Châu… còn có bánh cống bột đậu nành khá lạ cho du khách thưởng thức.
Bánh không quá nhiều mỡ như những nơi khác nên bánh hơi khô, độ béo vừa phải, không béo ngậy. Đặc biệt bánh không ăn với cải xanh, mà ăn với bắp cải, rau răm, xà lách, diếp cá. Chính điều này đã tạo nên nét riêng cho bánh cống Sóc Trăng. Ăn một cái, chưa thấm tháp gì; ăn thêm cái thứ hai, thứ ba thấy vẫn chưa đã thèm; ăn tiếp cái thứ tư, có thể sẽ không thêm được nữa, nhưng dư hương của nó vẫn đeo bám bạn cả một chặng đường…

Bình luận